Văn khấn chùa, đình, đền, miếu


NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT KHI VÀO CHÙA.

Theo phong tục cổ truyền người Việt trong các ngày rằm, mồng một, ngày lễ tết… cùng những ngày có việc quan trọng thường đến Chùa lễ Phật với tấm lòng thành kính nhờ nghiệp lức vô biên của Phật, Chư Bồ Tát , các bậc Thánh Hiền mà được thiện duyên, giác ngộ, mong tâm được thanh tịnh, đạo được mở mang, tai qua nạn khỏi, cuộc sống ấm no hạnh phúc.. ước vọng chính đáng ấy được thể hiện khi chúng ta đến trước điện đài của Phật.

Ngôi chùa Việt không những là một kiến trúc tôn giáo biểu hiện cho Phật giáo, tín ngưỡng Việt mà còn mang trong mình biết bao trầm tích của nghệ thuật cùng những giá trị văn hóa của người Việt. Do đó khi tham gia vào các nghi lễ thờ cúng tại chùa cần lưu ý một số vấn đề sau:

Các hạng mục tham quan và lễ trong Chùa

Chùa là nơi thanh tịnh và là nơi tu hành của các vị cao tăng nên khi vào chùa du khách phải tuân thủ theo những nguyên tắc nhất định về ứng xử văn hóa như sau:

– Về trang phục: Khi vào chùa cần mặc quần áo dài, kín cổ, đi khẽ. Tránh mặc áo ngắn tay, áo sát nách, áo may ô, quần soóc, váy ngắn,… Đối với Phật tử thì phải mặc áo lễ khi đến điện thờ Phật trong chùa.

– Về xưng hô: Với nhà sư thì xưng là A di đà Phật, bạch Thầy,… và xưng mình là Con. Xưng hô như vậy tức là nhìn thấy tăng mà tưởng nhớ thầy Thích Ca Mâu Ni, mình xưng hô như vậy là đang xưng hô với Đức Thích Ca. Nếu nhà sư đó là Thầy hướng dẫn mình tu tập thì xưng hô là Thầy thì ngoài ý nghĩa trên còn mang nghĩa là Thầy dạy học đạo. Khi thưa gửi gì với nhà sư thì đều chắp tay hình búp sen.

– Về trình tự vào chùa:

+ Khi đi qua cổng Tam quan vào chùa nên đi vào cửa Giả quan ( bên phải) và đi ra bằng cửa Không quan (bên trái). Cửa Trung quan chỉ dành cho Thiên tử, bậc cao tăng, bậc khoa bảng đi vào chùa, và đi ra cũng theo cửa này. Sau đó du khách có thể gặp sư trụ trì, sở dĩ là vì Chùa do sư trụ trì cai quản, có sư, tăng – ni, chùa mới được giữ gìn và Đạo Phật mới được truyền lưu nên khi vào chùa phải theo lệ:

“Nhập gia vấn chủ, nhập tự kiến sư

Tiên vấn trụ trì, hậu lễ Tam bảo”.

Nghĩa là:

“Vào nhà hỏi chủ, đến chùa gặp sư

Trước thăm trụ trì, sau lễ Tam bảo”.

Tuy nhiên, trong thực tế chúng ta cũng không hoàn toàn là làm bước này khi đến chùa. Sau khi, vấn đáp sư trụ trì, du khách tới nhà khách nơi có bàn để bày lễ dâng Phật, Thánh, Mẫu tại chùa đang tham quan.

Trình tự lễ trong chùa:

+ Thắp hương tại đỉnh đặt bên ngoài, hạn chế thắp hương bên trong chùa, vì có thể gây ảnh hưởng đến tượng Phật, pháp khí,…

+ Lễ tại ban Đức Ông: đặt lễ lục cúng, chắp tay hình búp sen, xin phép vào lễ Phật (vì Đức Ông là người kiểm soát tâm thế của kẻ đến chùa, chúng sinh đến với Phật).

+ Phật điện: đặt lễ tại chính giữa Tam bảo, chắp tay hình búp sen, đứng hoặc quỳ, thành tâm cầu khẩn điều an lành.

+ Sau đó đến điện thờ Mẫu, Tứ Phủ (phần lớn các chùa ở miền Bắc đều có điện thờ) thì đến đó đặt lễ và dâng hương cầu theo ý nguyện.

Riêng với các ban thờ Cô, thờ Cậu, việc hóa tiền vàng xong mới hạ lễ dâng cúng. Khi hạ lễ, phải hạ ban ngoài cùng đến ban chính. Các đồ lễ ở ban thờ này như gương, lược thì để nguyên trên bàn thờ.

Nơi cuối cùng mà Phật tử cần đến lễ là nhà Tổ. Đây là nơi thờ các vị Tổ sư đã có công tạo dựng hoặc trụ trì ở chùa, nay đã viên tịch”.

Cách sắm lễ và hành lễ trong Chùa.

Việc sắm sửa lễ vật khi vào Chùa, có những quy định mà du khách cần tuân thủ theo. Đó là lễ vật bao gồm có lễ chay để dâng lên điện Phật: gồm có lục cúng( hương, hoa, đăng, trà, quả, thực). Lễ vật chỉ cần có lục cúng mà không cần dâng tiền vàng, đồ mặn, đồ mã,…Không đặt tiền lên ban thờ, đĩa lễ mà bỏ vào hòm công đức ở ban chính, vì đây là tiền chi phí dầu đèn, hương hoa lễ Phật, tu bổ di tích và nuôi chúng tăng. Đồng thời cũng không nên bỏ tiền lên ban Phật, gài vào tay, thân tượng Phật, Thánh vì đó là hành vi bất kính.

Lễ là mặn chỉ có thể sắm sửa nếu trong chùa có thờ các vị Thánh, và có ban thờ Mẫu và chỉ dâng tại các ban này thôi. Tuyệt đối không được dâng trên ban thờ Phật, Chư Bồ tát và Thánh Hiền

– Về cầu cúng: tại chùa chỉ cúng những nghi lễ Phật giáo như Phật đản, Vu Lan, Mông sơn thí thực,…Ngoài ra có một số lễ cúng rước vong lên chùa nhằm thỏa mãn đời sống tâm linh cho người dân

Sưu tầm.

0 0 votes
Đánh giá bài viết