Thành lập doanh nghiệp nổi tiếng khi 17 tuổi, chàng trai sở hữu nhiều bí mật kinh doanh khôn ngoan

Thành lập doanh nghiệp nổi tiếng khi 17 tuổi, chàng trai sở hữu nhiều bí mật kinh doanh khôn ngoan

Không ai khác chính là Ingvar Kamprad, ông chủ nổi tiếng của đế chế IKEA. Ông được ví như một huyền thoại về ý chí vươn lên từ sự nghèo khó và triết lý kinh doanh khôn ngoan.

Từ khi còn nhỏ, Ingvar Kamprad đã rất nhạy bén với kinh doanh, từ việc bán những món đồ gỗ lưu niệm dịp nghỉ lễ cho những đứa trẻ hàng xóm, đến việc gây dựng nên công ty IKEA với giá trị 11,8 tỷ USD và trở thành một tỷ phú.

Tuổi trẻ tài cao

Lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo và sống trong một trang trại có tên là Elmtaryd cạnh ngôi làng nhỏ Agunnaryd, thuộc miền Nam Thụy Điển, ngay từ lúc 5 tuổi Ingvar Kamprad đã bắt đầu bán diêm cho các bạn cùng học. Cậu bé Kamprad đã giúp những người hái dâu và người đi câu cá có thể bán các sản phẩm của mình. Sau đó, cậu tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh, bán những đồ trang trí trong dịp lễ Giáng sinh.Ingvar gặt hái thành công bước đầu trong kinh doanh nhờ bán hạt giống và mua được chiếc xe đạp đầu tiên. Tuy mới 13-14 tuổi, nhưng Kamprad đã tự đặt cho mình những chỉ tiêu kinh doanh, đầu tiên là một chiếc xe đạp, sau đó là một chiếc máy chữ phục vụ cho công việc.

Chàng trai trẻ với sự nghiệp lớn lao

Vì mắc chứng khó đọc vậy nên Ingvar Kamprad thường gặp khó khăn trong học tập. Tuy nhiên, khi Kamprad 17 tuổi, với sự nỗ lực không ngừng, chàng trai trẻ đã được cha tặng một phần thưởng tiền mặt vì đạt điểm tốt ở trường. Kampard dùng số tiền này thành lập IKEA vào năm 1943. Và trong 5 năm đầu tiên, cửa hàng của anh thanh niên chủ yếu bán đồ gia dụng nhỏ, như khung ảnh.Người Việt ta có câu “cái khó ló cái khôn”, điều này quả đúng với Kamprad. Chứng bệnh không ngăn được ông sáng tạo, Kampard đã đặt tên sản phẩm bằng những danh từ riêng hoặc tên riêng, để dễ phân biệt chúng hơn. Ví dụ: nhiều sản phẩm cho phòng khách được đặt tên theo các địa danh ở Thuỵ Điển, trong khi đồ phòng tắm thì được đặt tên theo sông và hồ. Cái tên IKEA được ghép lại từ những chữ cái đầu tiên trong tên của ông cùng nơi đặt xưởng đầu tiên tại một thị trấn ở Thuỵ Điển. Chữ I và K được lấy từ tên của Ingvar Kamprad; chữ E là từ Elmtaryd, nơi đặt xưởng chế tạo đầu tiên của IKEA; và cuối cùng là chữ A, được lấy từ Agunnaryd, một thị trấn ở Thuỵ Điển.

Những bí mật kinh doanh khôn ngoan

Năm 1947, lần đầu tiên Kamprad đưa đồ gỗ vào nhóm sản phẩm chính. Việc khai thác nguồn hàng từ các nhà sản xuất địa phương cho phép ông giữ được mức giá bán thấp hơn các đối thủ. Đồ gỗ IKEA dần dần được khách hàng chú ý và tới năm 1951, Kampard quyết định tập trung vào mặt hàng này.

Hai năm sau, IKEA mở phòng trưng bày đồ gỗ đầu tiên, giúp người tiêu dùng tiếp cận tốt hơn sản phẩm của hãng, từ đó tin tưởng vào chất lượng của IKEA. Mỗi năm IKEA luôn cố gắng giảm giá ít nhất là 2-3%, thậm chí còn giảm nhiều hơn để đánh bại đối thủ.

Năm 1956, Kamprad tạo cuộc cách mạng trong thị trường đồ nội thất bằng việc giới thiệu “flatpacking”, phương pháp này đồng nghĩa với việc IKEA sẽ cắt giảm chi phí sản phẩm bằng cách cho phép người tiêu dùng mua đồ nội thất theo từng miếng và tự lắp ráp chúng.

Igvar Kampard cực kỳ khôn ngoan trong việc xây dựng cơ cấu tổ chức của IKEA. Thực chất, IKEA thuộc quyền sở hữu và điều hành của gia đình Kampard theo phong cách Thụy Điển, với hàng loạt công ty con kiểm soát những bộ phận khác nhau, như nhượng quyền kinh doanh, sản xuất, phân phối…

Năm 1973, Kamprad chuyển trụ sở IKEA từ Thuỵ Điển sang Copenhagen, Đan Mạch vào năm 1973 để tránh những mức thuế bất lợi cho sự phát triển của công ty. Ông cũng chuyển cả gia đình đến Thụy Sĩ để phản đối việc tăng thuế của Thụy Điển. Nhưng hiện nay công ty này đặt trụ sở chính tại Hà Lan và Kamprad cũng đã trở về Thụy Điển.

Trải qua gần 70 năm, IKEA ngày nay là tập đoàn khổng lồ với mức tăng trưởng mỗi năm ít nhất 10%. Ngoài Thụy Điển và khu vực Bắc Âu, thị trường đồ gỗ của tập đoàn này còn mở rộng sang Mỹ, Anh, Đức, Hà Lan, Nga, Trung Quốc…Năm 2009, ông là người giàu có xếp hàng thứ 5 trên thế giới và là nhà tài phiệt giàu nhất nhì khu vực Bắc Âu.

Nói về cuộc đời kinh doanh, Kamprad chia sẻ: “kinh doanh là công việc rất dễ chịu. Nhưng tôi còn thấy sung sướng hơn khi trong đầu xuất hiện những ý tưởng mới và sau đó thuyết phục được người khác rằng, chúng có thể thực hiện được. Điều này giúp tôi luôn tìm những khả năng mới và nghĩ xem cái gì có thể đem lại lợi nhuận”.

Kamprad cho rằng, làm lãnh đạo phải biết cặn kẽ mọi chi tiết. Triết lý kinh doanh của ông là phải “thường xuyên nhắc nhở mình rằng, một phi vụ mua – bán thành công nhất là khi cả người mua lẫn người bán đều không bị thiệt, cả hai phải đều có lợi”.

Theo ông, “tình cảm” là điều quan trọng nhất trong công tác lãnh đạo. “Nếu bạn không chiếm được cảm tình của người khác thì bạn không thể bán được cái gì cả”, ông nói.

Kamprad cũng thừa nhận ông đã quá dân chủ trong phong cách lãnh đạo. “Thậm chí, tôi thường xuyên khoan dung một cách quá mức đối với những vi phạm. Dân chủ là công cụ để phát triển, nhưng đôi khi cũng có thể dẫn tới sự thất bại hoàn toàn”, ông cho biết.

Tuy nhiên, ông không bao giờ thỏa mãn. “Có điều gì đó nhắc nhở tôi rằng, những điều tôi đã làm trong ngày hôm nay có thể làm được tốt hơn vào ngày mai”, ông nói. Và có lẽ cũng nhờ lý do này, nên IKEA đã luôn tự làm mới mình và đứng vững suốt mấy chục năm qua.

Dù là tỷ phú thế giới nhưng ông luôn giữ cho mình phong cách bình dân

Tuy đứng hàng thứ 4 trong danh sách những người giàu nhất thế giới nhưng tỉ phú người Thụy Điển Ingvar Kamprad, nhà sáng lập hãng đồ dùng nội thất IKEA, vẫn lái chiếc Volvo cà tàng, đi máy bay với loại vé phổ thông và thường mua hàng giảm giá.

Cha đẻ của IKEA tâm sự: “Nhiều người nói rằng tôi keo kiệt nhưng tôi mặc kệ họ. Tôi rất hãnh diện làm theo quy định của công ty. Tôi là người tiết kiệm và tôi hãnh diện về sự nổi tiếng đó”. Khi nhà báo Rochebin hỏi rằng có phải nhân viên IKEA luôn được nhắc nhở sử dụng cả 2 mặt giấy, ông Kamprad nói: “Tại sao không nếu điều đó vẫn tốt cho công tác quản lý, nó nêu điển hình tốt. Tôi làm như thế vì 90.000 nhân viên của IKEA. Chúng tôi cần dành dụm tất cả những gì kiếm được. Chúng tôi cần nhiều tiền nữa cho công việc cần làm ở Trung Quốc và Nga. Nhưng tôi hứa với quý vị rằng tôi sẽ không đem theo đồng xu nào xuống mồ”.

Hiện Kamprad vẫn đảm nhiệm vị trí cố vấn cao cấp và là một giám đốc ra quyết định ở IKEA cho dù con trai của ông Mathias là Chủ tịch. Ở tuổi 89 ông vẫn chưa hoàn toàn chuyển lại hết quyền điều hành cho con trai tại IKEA và các công ty liên kết của nó. “Tôi có quá nhiều việc phải làm và không có thời gian chết”.

Theo Loihayydep.vn

0 0 votes
Đánh giá bài viết