Những điều cần biết về lễ tiết Đoan Ngọ (ngày 5 tháng 5)
Lễ tiết Đoan Ngọ (ngày 5 tháng 5)
Tiết Đoan ngọ ngày 5 tháng 5, còn gọi là tiết Đoan Dương hay tiết Đoan Ngũ (Đoan là mở đầu, Ngọ là giữa trưa, là lúc khí dương đang thịnh). Đây là lễ tiết đầu tiên và quan trọng nhất của mùa hè, thể hiện ý nguyện cân bằng thiên nhiên, xua đi những gì bệnh tật, chết chóc, hướng tới một mùa gặt hái bội thu. Bởi lẽ theo quan điểm của người phương Đông, đầu mùa hè là thời kỳ giao thời, chuyển tiếp của sinh khí, thời gian luân đổi âm – dương.
Ngày mồng 5 tháng 5 khí dương tràn ngập, nhưng lại rất nóng, thời tiết mùa hạ oi bức, các bệnh dịch hay phát sinh, do vậy các đền, miếu thường cúng vào hè trừ ôn dịch, còn lại dân gian thì đi hái lá thuốc về dùng dần và làm lễ giết sâu bọ trong con người vào ngày này.
Tiết Đoan Ngọ với những nghi thức, tập tục độc đáo, những lễ dâng cúng Gia thần, Gia tiên có phần xuất phát từ câu chuyện về Khuất Nguyên.
Khuất Nguyên là vị quan chính trực dưới triều đại vua Hoài Vương đời Thất quốc (307-246 TCN), nên bị bọn gian thần ghen ghét. Sau này Tương Vương kế nghiệp cũng bị bọn gian thần thao túng, bác bỏ những tấu trình ngay thẳng của ông, lại còn bắt ông đi đày. Trước thực tại đáng buồn đó, Khuất Nguyên làm bài thơ Hoài Sa rồi buộc đá vào người trầm mình tự tử tại sông Mịch La vào ngày 5 tháng 5.
Nghe tin Khuất Nguyên trầm mình tự tử, Tương Vương vô cùng hối hận, làm cho cỗ cúng và đem cỗ đổ xuống sông. Đêm về Khuất Nguyên báo mộng cho vua rằng: Nếu xẻ cỗ xuống sông phải bọc lá bên ngoài và buộc bằng chỉ ngũ sắc cá tôm mới không ăn được. Do vậy, để tưởng niệm Khuất Nguyên – một vị đại thần trung chính, hàng năm dân gian lại gói cỗ bằng lá, buộc chỉ ngũ sắc bỏ xuống sông để ông hưởng. Và chỉ ngũ sắc sau này thành thứ “bùa tui bùa túi” đeo cho trẻ trong ngày tết Đoan Ngọ.
Nghi thức cúng lễ và tập tục tiết Đoan Ngọ
Tiết Đoan Ngọ đã trở thành một ngày truyền thống. Nhà nhà đều sửa lễ cúng ông bà Tổ tiên, cúng Thần thánh, cúng các vị Tổ sư của nghề. Đặc biệt đây là dịp chú ý đến việc bảo vệ sức khỏe của con người. Đó là việc giết sâu bọ bằng cách ăn rượu nếp hay ăn hoa quả như mận, vải, xoài… bên cạnh đó còn có một số tập tục độc đáo khác như:
– Tắm nước lá mùi:
Người ta đun lá mùi, tía tô, kinh giới, lá sả, lá tre vào chung một nồi, rồi mọi người thay nhau múc tắm. Mùa nóng lại tắm nước nóng có lá thơm, mồ hôi toát ra, tạo cảm giác khoan khoái dễ chịu làm cho con người phấn chấn, nước lá mùi cũng là vị thuốc nam và có lẽ nhờ vậy mà trị được cảm mạo. Tập tục này vẫn còn ở các làng quê.
– Hái thuốc mồng 5:
Cây cỏ quanh ta có nhiều loại có thể trở thành vị thuốc chữa bệnh. Dân gian quan niệm rằng nếu các loại thảo mộc ấy được hái vào ngày 5 tháng 5, lại đúng vào giờ ngọ thì tính dược càng tăng lên, chữa các bệnh cảm mạo, nhức đầu, đau xương… sẽ nhanh khỏi hơn. Do vậy người ta có lệ hái quả ngải cứu, đinh lăng, tía tô, kinh giới… đem phơi khô cất đi, khi nào lâm bệnh thì sắc uống.
Giết sâu bọ, hái thuốc mồng năm, tắm nước lá mùi… trong tiết Đoan Ngọ với mong ước con người, nhất là thế hệ trẻ khỏe mạnh, để duy trì nòi giống, truyền thống của cha ông. Ngoài ra, để phòng xa những bất trắc do ma quỷ, rắn rết làm nguy hại đến tính mạng nên vào dịp này còn có tục đeo “bùa tui bùa túi”. Người ta dùng vải và chỉ ngũ sắc để may, buộc vào các túm bùa. Một túm hạt mùi, một túm hồng hoàng rồi một số quả như khế, ớt, na…được buộc thành bùa đeo vào cổ trẻ em. Hạt mùi kỵ gió, hồng hoàng kỵ rắn rết, còn các quả để giết sâu bọ, chỉ ngũ sắc là màu sắc của vũ trụ: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ thường dùng để trị ma quái.
Tiết Đoan Ngọ ngoài những nghi thức độc đáo, ngày này còn là thời gian có nhiều hoa quả trong năm nên con cháu không thể quên việc dâng cúng Tổ tiên. Có nơi còn lễ bản thổ hội đồng, mời các vị Gia thần, Gia tiên cùng lai hưởng. Vào dịp này dân gian có các lễ tưởng nhớ công lao của các Tổ sư, đã dạy bảo cho dân có nghề để kiếm sống.
VĂN KHẤN TẾT ĐOAN NGỌ
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
– Con lạy chín phương trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
– Con kính lạy Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
– Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành Hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo Quân, cùng chư vị Tôn thần.
– Con kính lạy Tổ tiên, hiển khảo, hiển tỷ, chư vị Hương linh (nếu bố mẹ còn sống thì thay bằng tổ khảo tổ tỷ).
Tín chủ (chúng) con là:………………………………………
Ngụ tại:……………………………………………………………
Hôm nay là ngày…………….gặp tiết Đoan Ngọ chúng con sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, quả cau, lá trầu, hương hoa trà quả đốt nén tâm hương dâng lên trước án.
Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ Địa, ngài Bản gia Táo Quân, Ngũ Phương, Long Mạch Tài thần, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các cụ Cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội, ngoại họ………..cúi xin thương xót con cháu, giáng về linh sàng, chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời vong linh các vị Tiền chủ, Hậu chủ ngụ trong nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng, độ cho chúng con thân cung khang thái, bản mệnh bình an, bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng bình an thịnh vượng.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!